Anh Nguyễn Viết Ngọc – Giảng viên Dược giành 4 học bổng thạc sĩ quốc tế, 28 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, chia sẻ cách tìm học bổng chính phủ sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Tôi sinh ra ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình có bố mẹ học chưa hết phổ thông, ba chị gái không vào đại học. Tôi trở thành niềm hy vọng duy nhất của cả nhà khi là sinh viên ngành Dược sĩ ở Đại học Y Dược TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định đi làm hai năm và tìm cơ hội du học bằng học bổng.
Nhưng ba ngày trước khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp năm 2016, tôi biết tin mẹ bị ung thư phổi giai đoạn III-B. Lúc đó, tôi hoang mang, không nghĩ tới tương lai của mình, chỉ lo điều trị và chăm sóc mẹ tốt nhất. Ung thư phổi tiên lượng rất xấu, bác sĩ nói mẹ tôi chỉ còn sống được 3-6 tháng.
Ngày tôi báo cáo khóa luận, chị gái chở mẹ đến xem và chúc mừng tôi tốt nghiệp loại giỏi, top 1% ngành Dược sĩ. Hôm tôi được phát biểu trong lễ tốt nghiệp, mẹ vừa xong đợt hóa trị thứ hai và cũng tới dự.
Tôi đã định không đi làm và chỉ ở nhà với mẹ. Nhưng ngay lúc đó, bộ môn Dược lâm sàng tuyển giảng viên và thầy cô động viên tôi vào làm. Các thầy cô trong bộ môn hiểu cho hoàn cảnh của tôi nên mỗi khi mẹ nhập viện để hóa trị, xạ trị, tôi có thể vào ở lại bệnh viện với mẹ và làm việc qua email.
Mẹ tôi sau đó qua đời do ung thư tiến triển xa. Trong lúc đau buồn, tôi hiểu rõ đã đến lúc cần bắt đầu xin học bổng du học vì ước mơ của tôi và cũng là mong mỏi lớn của mẹ. Mẹ mong tôi du học và trở thành một thầy giáo tốt trong tương lai.
Giảng viên Dược giành 4 học bổng thạc sĩ quốc tế
Tôi đã tìm hiểu, nộp hồ sơ và năm 2020 trúng 4 học bổng toàn phần của chính phủ Ireland (IDEAS), Bỉ (VLIR-UOS), Thuỵ Điển (SISGP) và Anh (Chevening). Tôi đang học thạc sĩ Dịch tễ học tại Học viện Karolinska, thành phố Stockholm. Đây là trường top 10 thế giới về ngành y, là nơi trao giải Nobel Y học.
Các bước tìm hiểu và nộp học bổng của tôi như sau:
1. Xác định mong muốn, khả năng và điều kiện của bản thân
Tôi đặt câu hỏi cho mình và tìm câu trả lời: Tại sao tôi muốn du học? Tôi muốn học ở nước nào, trường nào, ngành nào? Tại sao? Tôi muốn du học bao lâu? Tôi đang có những điểm mạnh và điểm yếu gì (về học thuật, kỹ năng mềm, tố chất)? Tôi sẽ làm gì sau khi du học xong? Điều kiện tài chính của tôi như thế nào (tìm học bổng toàn phần hay bán phần)?
2. Tìm, lọc, xác định học bổng phù hợp
Sau khi đã hiểu rõ bản thân, tôi tận dụng tất cả nguồn thông tin có thể (trang về học bổng trên mạng xã hội, website trường, website đại sứ quán, website học bổng…) để tìm kiếm học bổng tương thích với mong muốn và khả năng của mình.
Tôi lập danh sách học bổng và trường mà tôi đủ điều kiện nộp. Tiếp theo, tôi nghiên cứu kỹ tiêu chí đánh giá của các học bổng/trường và đối chiếu với hồ sơ, điểm mạnh, điểm yếu của mình để xác định những học bổng có khả năng đậu (từ cao đến thấp). Cuối cùng, tôi chốt danh sách học bổng sẽ nộp và thứ tự ưu tiên để có sự đầu tư thời gian.
3. Chuẩn bị hồ sơ
Đây là bước tốn nhiều thời gian và công sức nhất của tôi. Tôi mất khoảng 2 tháng để viết xong motivation letter (thư động lực) và recommendation letter (thư giới thiệu) đầu tiên. Mỗi học bổng có yêu cầu riêng về nội dung và hình thức của các loại giấy tờ này.
Trong motivation letter hay statement of purpose, tôi thường phải trả lời các câu hỏi như mục tiêu nghề nghiệp là gì? Tại sao tôi muốn học ngành này? Kế hoạch ngắn hạn, dài hạn sau khi học xong? Tại sao học bổng nên chọn tôi?
Về thư giới thiệu, nếu được người giới thiệu viết cho thì rất tốt. Nếu tự viết và nhờ người giới thiệu góp ý và ký tên, tôi kể về mối quan hệ giữa tôi và người giới thiệu, những phẩm chất của tôi mà người giới thiệu ghi nhận được, kèm theo những câu chuyện và ví dụ minh chứng cụ thể.
Đối với CV, tôi cố gắng làm nổi bật những điểm mạnh của mình, không chỉ liệt kê học tập và công việc, mà còn những thành tích, những đóng góp… bằng số liệu cụ thể.
Để có ý tưởng viết, ngoài việc hiểu mong muốn và kế hoạch của bản thân, tôi đã tìm hiểu nhiều về cách viết các loại hồ sơ trên mạng và blog của các anh chị từng đỗ học bổng. Tôi cũng nghiên cứu kỹ chương trình học, tiêu chí lựa chọn ứng viên, nội dung câu hỏi theo yêu cầu của học bổng…
Tôi chọn cách viết đi thẳng vào vấn đề, càng thực tế càng tốt. Tôi nêu cụ thể mục tiêu, kế hoạch và quan điểm của mình và cố gắng trình bày các ý một cách mạch lạc, logic. Khi muốn chứng minh mình có một phẩm chất nào đó, đầu tiên tôi phải đọc để hiểu rõ bản chất của phẩm chất đó là gì. Từ đó, tôi liên hệ lại bản thân xem mình đã thể hiện phẩm chất đó qua những việc gì để đưa vào bài viết. Sau khi viết, tôi thường nhờ bạn hoặc anh chị đi trước đọc và góp ý, sửa chữa.
4. Chuẩn bị phỏng vấn (nếu học bổng yêu cầu)
Tôi đọc lại kỹ những gì mình đã viết trong hồ sơ để khi phỏng vấn, câu trả lời thống nhất với những gì đã viết. Tôi tìm đọc trên mạng, các nhóm trên Facebook và liên hệ các anh chị từng đậu học bổng để xin kinh nghiệm phỏng vấn hay các câu hỏi thường gặp.
Tôi lập danh sách câu hỏi, chuẩn bị nội dung trả lời theo từng ý rõ ràng và ngắn gọn. Ngoài ra, tôi cũng tập phong thái trả lời sao cho thoải mái và tự tin. Tôi tập phỏng vấn với bạn hoặc anh chị đi trước.
Tôi cũng nhờ thầy cô trong bộ môn phỏng vấn thử và đặt các câu hỏi bất ngờ để tập xử lý tình huống khó. Trong lúc phỏng vấn, tôi luôn nhớ ba điều: Thống nhất với hồ sơ đã nộp, tự tin thoải mái giao tiếp và thành thật trong câu trả lời.
Tôi đã tranh thủ mọi thời gian rảnh, thức khuya, cuối tuần để tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ. Trước khi nhận tin đậu học bổng đầu tiên hồi tháng 4/2020, tôi đã liên tục nhận tin thất bại 6 học bổng trong tháng 1-3/2020. Khi đó, đã có lúc tôi nghĩ sẽ thất bại nốt 4 học bổng còn lại.
Tại sao tôi lại nộp nhiều học bổng trong lần đầu tiên như vậy? Vì tôi quyết tâm đi du học năm 2020. Tôi tự đánh giá hồ sơ của mình ở mức khá tốt, không phải xuất xắc nên nộp nhiều sẽ tăng cơ hội đậu. Và quan trọng là tôi tin mình có thể sắp xếp được thời gian để cân bằng giữa công việc, cuộc sống và chuẩn bị cho học bổng. Tuy nhiên, nộp nhiều học bổng cùng một năm không phải lúc nào cũng là ý hay, đặc biệt là với những bạn quá bận rộn.
Hiện tôi học kỳ hai năm nhất ở Thuỵ Điển. Thời gian đầu, tuy tiếng Anh khá nhưng kỹ năng nghe của tôi chưa hoàn thiện nên đôi lúc không theo kịp bài giảng. Tôi xin giảng viên cho phép ghi âm bài giảng về nghe lại, đọc thêm tài liệu tham khảo để nắm bài. Sau 2-3 tháng, tôi đã tiến bộ và hiện tại, kết quả học tập của tôi khá tốt.
Lúc mới sang, tôi không có bạn Việt Nam nào học cùng khóa nên cô đơn và rất nhớ nhà. Dần dần tôi làm quen với các bạn cùng trường trong ký túc xá. Hiện Covid-19 vẫn ảnh hưởng rất lớn đến học tập, sinh hoạt và phần nào làm giảm đi sự trải nghiệm của du học sinh.
Tôi dự định học xong thạc sĩ sẽ tìm cơ hội làm tiến sĩ ở châu Âu, sau đó về Việt Nam theo đuổi con đường giảng viên đại học. Con đường trở thành một giảng viên tốt sẽ rất dài và nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của mình và sự ủng hộ của mẹ, tôi tin mình sẽ làm được.
Bình Minh